1. Lược sử Chợ Đông Ba:
Chợ Đông Ba ra đời có nguồn gốc từ rất sớm và điều này được sách Đại Nam Nhất Thống Chí đời Duy Tân viết rất rõ ràng: “Chợ Đông Gia nằm ở phía Đông Nam cầu Đông Gia thuộc đất huyện Hương Trà”. Khu vực này vốn có tên là Đông Hoa, Đông Ba, với những chợ, cầu, kho tạm, trường bắn, bến thuyền cùng mang tên đó và đến năm Minh Mạng thứ 20, mới được đổi tên thành cầu Đông Gia.
Vào tháng 12 năm Ất Dậu thời Đồng Khánh (1885), triều đình mới cho dựng làm đình bằng ngói, điếm ngói ở chợ Đông Gia bởi từ trước, ở trong chợ đều làm điếm lợp gianh. Đến thời điểm này, Suất đội Nguyễn Đình Nên tình nguyện bỏ kinh phí riêng để xây dựng lại một tòa đình ngói và hai dãy điếm ngói rồi xin thu thuế chợ này trong suốt thời hạn 06 năm, mỗi năm là 1.300 quan tiền. Triều thần bàn định rồi nhà vua phê chuẩn đồng ý cho làm, chỉ có điều lệ thu thuế chỉ được thực hiện đối với những người ngồi buôn bán ở đình điếm trong chợ, theo đúng từng vật hạng để mà thu, tuyệt nhiên không được đòi tăng quá cao và tất cả chiểu theo giá đó để thu luôn trong 03 năm, hết hạn sẽ xem xét giải quyết sau.
Thực ra những tên gọi này cũng chưa phải là cái tên nguyên thủy của chợ và không phải tọa lạc vị trí như hiện nay. Trước khi đổi thành chợ Đông Ba, ngôi chợ tọa lạc bên ngoài cửa Chánh Đông (hay cửa Đông Ba theo cách gọi dân gian) dưới thời Gia Long đã có một cái chợ lớn mang tên Quy Giả Thị. Tên chợ đánh dấu sự kiện trở lại Phú Xuân của quan quân nhà Nguyễn. Theo Phan Văn Dật trong bài Khảo sát về một số cổ tích và địa danh ở Huế qua ca dao, thì Quy Giả là ngôi chợ của những người trở về, ngụ ý quan quân sau nhiều năm bôn ba nay đã trở về.
Sự biến đổi địa danh từ Đông Gia thành Đông Ba như vậy, theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An thì kể từ khi quy hoạch và xây dựng Kinh thành Huế dưới thời Gia Long (1802-1819), các công trình được xây dựng ở khu vực này đều mang tên Đông Hoa, như pháo đài Đông Hoa (Đông Hoa đài), cầu Đông Hoa (Đông Hoa kiều), chợ Đông Hoa (Đông Hoa thị). Nhưng đến đầu thời Thiệu Trị, vào tháng 4/1841, triều đình đã cho đổi tất cả các địa danh có chữ Hoa thành chữ khác, vì tên húy của mẹ vua là Hồ Thị Hoa. Có lẽ tên của pháo đài, cầu và chợ nói trên cũng đã đổi ra thành Đông Gia trong dịp này.
Hiện nay ở đầu phía Đông của chiếc cầu ấy vẫn còn tồn tại tấm bia đá khắc 03 chữ đại tự “Đông Gia kiều” và một dòng lạc khoản bên trái đề “Thiệu Trị nguyên niên nhuận tam nguyệt cát nhật tạo”, nghĩa là bia này được khắc dựng vào những ngày tốt tháng 3 nhuận năm Thiệu Trị thứ nhất (tháng 5/1841). Từ đó trở đi, mặc dù tên của các địa danh ấy đều được ghi một cách chính thức trong sử sách của triều Nguyễn là Đông Gia, nhưng xưa nay, người Huế vẫn gọi là Đông Ba mà thôi, có lẽ vì chữ Ba vừa có nghĩa tương tự như chữ Hoa (bông), vừa âm dễ đọc hơn chữ Gia: cửa Đông Ba, cầu Đông Ba, chợ Đông Ba, …
(Trích Tài liệu Tham khảo Thuyết minh các điểm tham quan du lịch Thừa Thiên Huế)