I. ĐỊA ĐIỂM TỔ CHỨC:
Chương trình được tổ chức tại một trong hai địa điểm tùy yêu cầu:
* Địa điểm 1: Không gian văn hóa Lục Bộ, 79 Nguyễn Chí Diểu, TP.Huế ( khoảng 5 phút đi bộ từ cửa Hiển Nhơn – Đại Nội Huế)
* Địa điểm 2: Phủ Nội Vụ, Đại Nội Huế (ngay cổng ra cửa Hiển Nhơn, thích hợp cho tour kết hợp tham quan Đại Nội)
II. THỜI GIAN VÀ ĐIỀU KIỆN THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH:
* Thời gian hoạt động: từ 8h30 đến 17h30 hàng ngày
* Thời lượng: Khoảng 60 phút
* Đặt tour trước tối thiểu 1 ngày
III. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH:
Phần 1 (15 phút):
Giới thiệu tư liệu lịch sử và các nghề truyền thống Huế (tùy địa điểm diễn ra chương trình)
* Tại Lục Bộ:
- Giới thiệu một số tư liệu lịch sử liên quan đến Lục Bộ triều Nguyễn.
- Giới thiệu lịch sử các làng nghề truyền thống nổi tiếng của Huế như: Nón Lá, Diều Huế, Hoa Giấy Thanh Tiên, Mây Tre Đan, Đèn Lồng Huế.
- Giới thiệu và thưởng thức 2 Ngự phẩm nổi tiếng được phục dựng: Ngự Trà và Ngự Tửu
* Tại Phủ Nội Vụ:
- Giới thiệu lịch sử Quan xưởng triều Nguyễn tại Phủ Nội Vụ.
- Giới thiệu lịch sử các làng nghề truyền thống nổi tiếng của Huế như: Nón Lá, Diều Huế, Hoa Giấy Thanh Tiên, Mây Tre Đan, Đèn Lồng Huế, Nhang Trầm.
- Giới thiệu và thưởng thức 2 Ngự phẩm nổi tiếng được phục dựng: Ngự Trà và Ngự Tửu.
Phần 2 (45 phút): Du khách tự do lựa chọn tham gia trải nghiệm một trong các làng nghề dưới đây:
1. NÓN BÀI THƠ
Nghề chằm nón lá đã hình thành cách đây hàng trăm năm, là một nét văn hóa đặc trưng của xứ Huế mộng mơ. Ai đi rồi cũng nặng lòng với Huế, nặng tình với con người Huế và đem những nỗi nhớ cuộn tròn trong chiếc nón bài thơ.
Tìm hiểu, nghe giới thiệu và trải nghiệm các công đoạn ủi lá, xếp vành, lợp lá, khâu… để làm ra một chiếc nón bài thơ Huế.
2. HOA GIẤY THANH TIÊN
“Xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng
Cứ đến tháng Chạp cả làng làm hoa”
Câu ca dao đã khắc họa nét đẹp văn hóa của một làng nghề làm hoa giấy đã tồn tại hàng trăm năm bên dòng Hương thơ mộng. Những bông hoa do người dân làng Thanh Tiên làm ra tươi sắc suốt quanh năm, trải đủ bốn mùa xuân hạ thu đông…
Nghe giới thiệu về lịch sử làng nghề hoa giấy Thanh Tiên Huế, được hướng dẫn từ khâu nhuộm màu giấy, tạo nếp gấp, tạo cánh hoa, sau đó trải nghiệm tự tay hoàn thiện một bông hoa.
3. DIỀU HUẾ
Từng là thú chơi dân dã, sau đó trở thành trò tiêu khiển dành cho các vương tôn, rồi bỗng thành văn hóa Huế tự bao giờ. Diều Huế luôn gây ấn tượng với họa sắc cung đình rồng phụng, vừa rất gần gũi lại không hề mất đi vẻ quyền uy, quý tộc vốn có…
Nghe giới thiệu về nguồn gốc, các công cụ và toàn bộ công đoạn từ tạo khung diều, vẽ màu, lắp ráp diều. Vẽ và lắp ghép cùng nghệ nhân để làm ra một con diều (loại diều truyền thống - Diều Đồng Nội)
4. MÂY TRE ĐAN
Ghé thăm bàn tay khéo léo đan từng sợi tre đã được chuốt, nhuộm tỉ mỉ, rồi từ đó sáng tạo nên nhiều vật dụng có ích, đây cũng là cách người nghệ nhân lưu giữ vẻ đẹp Việt, vừa mộc mạc mà rất đỗi thân tình.
Tự tay trang trí cho mình những chiếc quạt tre với nhiều họa tiết, màu sắc khác nhau để lưu lại kỷ niệm với mảnh đất Cố đô.
5. ĐÈN LỒNG HUẾ
Làm đèn lồng là nghề thủ công truyền thống lâu đời của xứ Huế. Từ xa xưa, trong các lễ hội ở cung đình, đèn lồng đã được sử dụng để thắp sáng và trang trí. Trải qua hàng trăm năm, đèn lồng vẫn là một trong những điểm nhấn lung linh mỗi dịp lễ tết ở đất cố đô.
Lắng nghe những câu chuyện xoay quanh chiếc đèn lồng truyền thống Huế và thử sức làm nên chiếc đèn lồng mang đậm dấu ấn cá nhân.