Cửu vị thần công là tên gọi 09 khẩu súng thần công bằng đồng, được các nghệ nhân Huế đúc vào năm Gia Long thứ hai (1803) và hoàn tất vào tháng 1 năm 1804. Mỗi khẩu dài 5.1m và nặng gần 11 tấn. Một khối lượng đồng lớn thu gom từ những vũ khí của nhà Tây Sơn, đã được Vua Gia Long cho đem nấu chảy đúc thành 09 khẩu súng lớn, xem như một chiến lợi phẩm tượng trưng của triều đại mới.
Cửu vị thần công được đặt tên lấy theo Tứ thời: Xuân – Hạ – Thu – Đông (dãy nhà bên tả sau cửa Thể Nhân) và Ngũ hành: Kim – Mộc – Thuỷ – Hoả – Thổ (dãy nhà bên hữu sau cửa Chương Đức). Vào năm 1816, Vua Gia Long đã sắc phong cho 09 khẩu này thêm chức tước và khắc lên thân của nó một cái tên chung: Thần Oai Vô Địch Thượng tướng quân Cửu vị (hàm nghĩa: Vị thống lãnh quân đội uy dũng ngang hàng với thần linh, vô địch tướng quân). Cửu vị thần công được đúc, dựa theo nguyên tắc của “Lạc Thư”, lấy con số 9 là số linh để biểu thị tượng trưng quyền lực vô hạn của nhà vua. Bởi vậy khi đúc thành, nó có tính thiêng liêng nhằm để bảo vệ đất nước, chứ chưa khi nào sử dụng, vì thế người ta xem Cửu vị thần công như vị thần linh tối thượng và được gọi là Ông súng hay Thần súng.
Ngoài giá trị lịch sử, Cửu vị thần công còn mang giá trị nghệ thuật cao. Từ kỹ thuật đúc đồng, nghệ thuật trang trí và chạm khắc trên đồng cũng như trên giá súng đều rất điêu luyện và tinh xảo. Đây là những khẩu thần công lớn nhất Việt Nam, là một trong những bộ tác phẩm mỹ thuật bằng đồng đạt tới đỉnh cao của nghề đúc đồng ở Việt Nam ở đầu thế kỷ XIX.
Năm 2012, Cửu vị thần công đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia.
(Trích từ Tài liệu tham khảo thuyết minh các điểm tham quan du lịch Thừa Thiên Huế)