Ghềnh Đá Đĩa, hay còn có các cách gọi (viết) khác như Ghềnh Đá Dĩa, Gành Đá Dĩa, Gành Đá Đĩa, là một danh thắng thiên nhiên kỳ thú về cảnh quan và độc đáo về địa chất, toạ lạc tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Ghềnh Đá Đĩa là một tập hợp các trụ đá hình lăng trụ xếp liền nhau, hòn nọ nối hòn kia kề với sóng nước. Bãi đá trải rộng san sát nhau chung một màu đen huyền bí. Các trụ đá này có trụ thẳng đứng, có trụ nghiêng vẹo nhưng vẫn chồng chất tầng tầng như chồng bát đĩa nên có tên gọi là Ghềnh Đá Đĩa. Nhìn từ xa, ghềnh Đá Đĩa trông giống một tổ ong thiên tạo khổng lồ vô cùng kỳ vĩ.
Các cột đá badan của Ghềnh Đá Đĩa được các nhà nghiên cứu cho là hình thành cách đây hàng triệu năm, khi các dòng nham thạch nóng chảy phun ra từ các núi lửa ở cao nguyên Vân Hoà (cách 30km) gặp nước biển lạnh nên đông cứng và nứt vỡ mà thành.
Liền kề với Ghềnh là Bãi Bàng tĩnh lặng với bãi cát trải mịn màng. Rất có tiềm năng phát triển du lịch biển với bãi cát trắng mịn và hàng dừa xanh mát. Nằm cạnh là ngôi đình thờ lăng ông linh thiêng của ngư dân thôn Phú Hạnh. Những phiến đá ở đây dân địa phương còn gọi là vảy rồng (xưa kia khu vực này hoàn toàn là đá vẩy rồng) do nhu cầu canh tác nên họ bồi đất lên, nếu ta đào sâu xuống bên dưới chỉ toàn đá.
Năm 1998, ghềnh Đá Đĩa được công nhận là thắng cảnh thiên nhiên cấp quốc gia.