Lăng Vua Tự Đức là lăng của vị vua thứ 04 triều Nguyễn.
Vua Tự Đức tên húy là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, còn có tên là Thì. Ngài sinh ngày 25 tháng 08 năm Kỷ Sửu (22.09.1829), là con trai thứ hai của Hiến Tổ Chương Hoàng Đế Thiệu Trị và Nghi Thiên Chương Hoàng Hậu Từ Dũ.
Lúc còn nhỏ, hoàng tử Hồng Nhậm sức khỏe đã không được tốt, lớn lên thì gầy yếu và luôn đau ốm, năm 19 tuổi Ngài lại mắc bệnh đậu mùa nặng vì thế thể chất suy yếu cho đến cuối đời. Năm 1842, khi hoàng tử Hồng Nhậm được 13 tuổi đã được phò tà vua cha ra Thăng Long nhận lễ thụ phong của nhà Thanh. Năm sau, hoàng tử được vua cha phong tước Phúc Tuy Công. Tháng 10 năm Đinh Mùi (1847), hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Nhậm lên ngôi hoàng đế ở Điện Thái Hòa, lấy niên hiệu Tự Đức (1848-1883).
Vua Tự Đức trị vì trong thời điểm khó khăn nhất của đất nước vào nữa cuối thế kỷ XIX với bối cảnh kinh tế chính trị xã hội rối ren. Bên trong hoàng tộc mâu thuẫn nội bộ, tranh giành ngôi báu. Ngoài Bắc, nạn đói kém mất mùa, thiên tai dịch bệnh xảy ra liên tiếp khiến các cuộc khởi nghĩa nông dân đã diễn ra khắp nơi. Bên ngoài thì phải đối phó với giặc xâm lăng, bản thân nhà vua hay đau ốm bệnh tật, lại không có con, vua thường day dứt với nhiều nỗi buồn, … Phải nói rằng cuộc đời của nhà vua là một bi kịch lớn của một vị hoàng đế!
Theo quan niệm “Sinh ký tử quy” có nghĩa là “sống gửi thác về”, để yên tâm trước khi nhắm mắt xuôi tay, các vị hoàng đế triều Nguyễn đều cho xây dựng lăng tẩm cho mình khi còn tại vì trên ngai vàng. Theo tiền lệ đó, vua Tự Đức đã cho xây cung điện thứ hai của mình làm nơi nghỉ ngơi và phòng khi ra đi bất chợt.
Sau nhiều năm tìm kiếm, các quan địa lý đã chọn được cuộc đất tốt “vạn niên cát địa” (đất tốt vạn năm) tại ấp Trâm Bái, làng Dương Xuân, huyện Hương Thủy (nay là phường Thủy Xuân, thành phố Huế). Đến tháng 12 năm 1864 thì lăng được khởi công xây dựng với tên ban đầu là “Vạn Niên Cơ”.
Theo dự kiến của Bộ Công thì công trình sẽ được thi công trong vòng 06 đến 07 năm với sự góp mặt của 3.000 lính và thợ, đặt dưới sự trực tiếp chỉ huy và điều hành của Thị lang Bộ Công Nguyễn Bỉnh (sau này là Thượng Thư Bộ Công) cùng Biện lý Bộ Công Nguyễn Văn Chất và Thống Chế Lê Văn Xa. Các lính thợ sẽ được thay phiên nhau về nghỉ 03 tháng 01 lần.
Năm 1865, Nguyễn Văn Chất và Lê Văn Xa muốn được lòng vua Tự Đức nên đã tâu xin rút ngắn thời gian thi công xuống còn 03 năm. Để đảm bảo hoàn thành đúng thời hạn, hai viên quan này đã tìm mọi cách để đẩy nhanh tiến độ thi công. Hàng ngàn lính thợ đã không có thời gian nghỉ ngơi, lại phải lao động quá sức dưới những điều kiện khắc nghiệt, nên vào năm 1866, tại công trình đang thi công này, đã diễn ra cuộc khởi nghĩa của lính và thợ dưới sự lãnh đạo của Đoàn Trưng, Đoàn Tư Trực, Đoàn Hữu Ái. Nhà Nguyễn gọi cuộc khởi nghĩa này là Giặc Chày Vôi, bởi vì binh lính và thợ thuyền đã sử dụng công cụ lao động là chày giã vôi làm vũ khí tấn công vào Hoàng Cung.
Tuy cuộc khởi nghĩa bị thất bại, họ Đoàn bị tru di tam tộc, nhưng cũng từ đó thanh danh của vua Tự Đức bị tổn thương nặng nề, một bầu không khí tang tóc bao trùm đất kinh đô và công trình Vạn Niên, dân chúng oán thán:
“Vạn Niên là vạn niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân”
Và để xóa đi những ký ức ấy trong dân chúng, nhà vua cho đổi tên công trình “Vạn Niên” thành “Khiêm Cung” và sau khi nhà vua mất, gọi là Khiêm Lăng. Sau cuộc khởi nghĩa Chày Vôi, vua Tự Đức đã điều Nguyễn Tri Phương về kinh để ổn định tình hình trị an, đồng thời cho Trần Đình Bình đọc chiếu vỗ an bá tánh. Công việc xây dựng Khiêm Lăng lại được tiếp tục, đến năm 1867 thì cơ bản hoàn thành.
Lúc sinh thời, vua Tự Đức chỉ thiết kế hơn một nữa đồ án quy hoạch của Khiêm Cung, tức là chỉ bao gồm các công trình để làm nơi nghỉ ngơi, giải trí chứ chưa cho xây những công trình dành cho người chết như: sân Bái Đình, Huyền Cung hay huyệt mộ. Ngày 16 tháng 06 năm Quý Mùi (19.07.1883), vua Tự Đức băng hà, đến tháng 08 năm 183, Bộ Công mới cho xây đường Toại Đạo và Huyền Cung. Nhưng đến ngày mùng 02 tháng Chạp năm Quý Mùi (30.12.1883), mới làm lễ an táng nhà vua. Sau đó, Bộ Công tiếp tục xây dựng đến tháng 09 năm Giáp Thân (10.1884).
Trong khu vực lăng vua Tự Đức sau này còn có xây thêm lăng vua Kiến Phúc, là con nuôi của vua Tự Đức (1884-1885) và lăng của bà Lệ Thiên Anh Hoàng Hậu (1902-1903).
(Trích Tài liệu tham khảo Thuyết minh các điểm tham quan du lịch Thừa Thiên Huế)