lang vua kien phuc

Lăng Vua Kiến Phúc

Lăng vua Kiến Phúc (Bồi Lăng) nằm trong quần thể lăng vua Tự Đức (Khiêm Lăng), bao gồm mộ vua Kiến Phúc, Chấp Khiêm Điện và các công trình kiến trúc phối thuộc. Tất cả cùng nằm trên một quả đồi, nguyên là nơi hóng mát và ngắm cảnh của vua Tự Đức. Đến Năm 1884, khi vua Kiến Phúc băng hà, triều đình mới cho làm lăng này (nằm trên trái Chấp Khiêm Điện) và đưa thi hài của nhà vua đến đây an táng.

Chấp Khiêm Điện vốn là nhà đọc sách của vua Tự Đức, được làm theo kiểu nhà kép “trùng lương trùng thiềm” nhưng kiểu thức rất đơn giản. Sau khi vua Tự Đức băng hà, nơi đây trở thành điện thờ bài vị vua Kiến Phúc. Phía sau Chấp Khiêm Điện là vị trí của Di Khiêm Lầu, có lối kiến trúc rất giống Minh Lâu ở lăng Minh Mạng, là nơi vua Tự Đức đến ngắm cảnh, hóng mát. Rất tiếc công trình hiện nay chỉ còn nền móng.

Vua Kiến Phúc là vị Hoàng đế thứ 07 của triều Nguyễn, Ngài là con thứ ba của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Bùi Thị Thanh. Húy của Ngài là Nguyễn Phước Ưng Đăng, hiệu Dưỡng Thiện. Vua Kiến Phúc sinh ngày 12 tháng 02 năm 1869, Ngài lên ngôi ngày 02 tháng 12 năm 1883, tuy nhiên tại vị được 08 tháng thì băng hà vào ngày 31.07.1884, được truy tôn miếu hiệu là Nguyễn Giản Tông Nghị Hoàng Đế. Kiến Phúc là vị vua yểu mệnh nhất của triều đại nhà Nguyễn, lúc băng hà Ngài chỉ mới 15 tuổi.

Vì không có con nên vua Tự Đức đã nhận 03 người cháu làm con nuôi: Nguyễn Phúc Ưng Ái, Nguyễn Phúc Ưng Kỷ và Nguyễn Phúc Ưng Đăng. Ưng Đăng được vua Tự Đức truyền đem vào cung, giao cho bà Học phi Nguyễn Thị Hương nuôi dạy từ lúc mới 02 tuổi. Sau khi vua Dục Đức và Hiệp Hòa đều mất, Hoàng tử Ưng Đăng được hai quan Phụ chính Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi lấy niên hiệu là Kiến Phúc và mọi việc trong triều đều do hai quan Phụ chính quyết định.

Lúc bấy giờ ở Bắc Kỳ, lực lượng của Hoàng Kế Viêm, Trương Quang Đản đang còn phối hợp với quân nhà Thanh chống quân Pháp. Viên Khâm sứ Pháp ở Huế lấy điều đó ra trách cứ, khiến triều đình có dụ truyền cho hai viên tướng ấy phải về kinh. Nhân nhượng như vậy, nhưng ít lâu sau quân Pháp vẫn tiến đánh và chiếm đoạt các tỉnh là Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Hóa và Tuyên Quang. Đến ngày 06 tháng 06 năm 1884, đại diện Pháp Jules Patenôtre ký tờ hòa ước mới với triều đình nhà Nguyễn, đó là Hòa ước Giáp Thân (năm 1884) công nhận sự bảo hộ của Pháp và chia nước Việt Nam ra làm hai khu vực, đó là Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Trong khi đất nước gặp nhiều rối ren thì vua Kiến Phúc băng hà.

(Trích Tài liệu Tham khảo Thuyết minh các điểm tham quan du lịch Thừa Thiên Huế)

Những bài viết gần đây

1 Comments

  1. Lăng Vua Tự Đức (Khiêm Lăng) – Cẩm nang Du lịch

    […] khu vực lăng vua Tự Đức sau này còn có xây thêm lăng vua Kiến Phúc, là con nuôi của vua Tự Đức (1884-1885) và lăng của bà Lệ Thiên Anh Hoàng Hậu […]

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *