1. Phá Tam Giang: Địa danh bắt đầu từ một câu ca, một tên gọi
Đầm phá là một vùng biển cạn, vùng đệm, nơi trung chuyển và hòa trộn giữa các vùng cửa sông trước khi đổ ra biển, nên đó là vùng nước lợ, tạo nên một loại hình sinh thái đặc biệt ở miền Trung. Trong diễn trình và lịch sử văn hóa Huế, dấu ấn vùng sông nước đầm phá Tam Giang có nhiều biến động, thể hiện rõ qua câu ca đến nay vẫn được lưu truyền phổ biến trong nhân gian:
“… Thương em, anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ, Nội Tán dẹp yên …”
Ở đây có hai giai đoạn rất rõ ràng về phá Tam Giang trong tâm thức dân gian Huế, từ rất “sợ” vì quá sâu đến hết sợ nhờ nó “cạn”. Vậy thì tại sao người ta lại “sợ” phá Tam Giang, để rồi từ đây, càng làm rõ hơn ý nghĩa của quá trình “cạn” dần đó, nhất là từ suy nghĩ của người làm nông nghiệp lúa nước.
Phá Tam Giang có tên chữ là Hạc Hải, Thiển Hải hay Hải Nhi (biển cạn). Trước đây, với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt (sình lầy chua mặn, dòng nước “ngược” chảy xiết dễ gây lật thuyền, …), trở thành nơi tụ hội của những thành phần bất hảo, lục lâm thảo khấu, sào huyệt hải tặc, gây sợ hãi với người nông dân hoặc khách buôn khi đi qua đây. Về sau, phá Tam Giang cạn dần và quá trình đó diễn ra liên tục suốt hàng trăm năm, biến vùng sông nước mênh mông thành ruộng đồng, hình thành nên nhiều cộng đồng làng xã nông – ngư với di sản văn hóa sông nước đầm phá rất đặc trưng.
Có tên gọi Tam Giang là bởi từ hạ lưu sông Lương Điền (Ô Lâu) chảy xuống phá, về phía tây nam có ba dòng nước đổ vào, tạo thành ba cửa là Tả giang, Trung giang và Hữu giang. Đồng Khánh địa dự chí còn mô tả cụ thể sông Ô Lâu, sau khi qua làng Phước Tích, đổ xuống chổ Bàu Ngược (nay thuộc địa bàn xã Điền Môn, Phong Chương) đến Cửa Lác (ở xã Quảng Thái – Điền Hòa) rồi mới bắt đầu đổ ra phá Tam Giang.
2. Thông tin địa lý tự nhiên:
Hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đi qua địa giới của 33 xã, 05 huyện của tỉnh Thừa Thiên Huế, với tổng diện tích mặt nước lên đến 21.600 ha, kéo dài 68km, ở nơi rộng nhất 8km, ở nơi hẹp nhất 0,6km, có độ sâu trung bình 1,5 – 2,0m và được chia thành 03 phần: Phần phía Bắc là Phá Tam Giang, giữa là Chuồn (An Truyền) – Thủy Tú và phía Nam là đầm Cầu Hai. Vực nước có thể tích trung bình 300 triệu m3 và mùa mưa đặc trưng với nền nhiệt cao, bức xạ dồi dào, chế độ mưa không giống bất kỳ vùng nào trên đất nước Việt Nam. Hơn nữa, theo đường kinh tuyến thì ở 107 độ kinh Đông (107 độ 22′ đến 107 độ 57′), hệ đầm phá nằm ở miền tiếp giáp giữa lục địa và đại dương. Chính ở 16 độ vĩ Bắc đó cùng với sự chồng lấn, đan xen của hai môi trường sống khác biệt của nước biển mặn và nước ngọt đất liền ở một vực nước lớn ven bờ, làm cho nơi đây có nhiều đặc điểm nổi bật về tự nhiên và giàu có về tài nguyên thiên nhiên của một vùng nước lợ đặc trưng.
(Trích tài liệu tham khảo Thuyết minh các điểm tham quan du lịch Thừa Thiên Huế)